fbpx

Hướng dẫn chọn kính thiên văn, ống nhòm (P2): Lựa chọn ống nhòm

Celestron SkyMaster 20×80

Ống nhòm dành cho ngắm sao

“Đừng quan tâm đến ống nhòm, tôi muốn một chiếc kính thiên văn”, nhiều người mới bắt đầu đã nói như vậy.

Nhưng ống nhòm là kính thiên văn! Chúng đơn giản là hai chiếc kính thiên văn nhỏ đặt cạnh nhau, với một vài bổ sung quang học để khiến thị kính đủ gần và bạn có thể thoải mái nhìn qua cả hai cùng lúc. Không như những kính thiên văn to lớn, những chiếc ống nhòm rất trực quan và dễ sử dụng. Chúng cho ảnh cùng chiều và trường nhìn lớn khiến bạn dễ dàng hướng chúng đến một đối tượng và tìm kiếm thứ bạn muốn. Và chúng cũng không làm mất thời gian để lắp đặt và căn chỉnh. Bạn chỉ cần cầm trên tay và hướng về phía các ngôi sao. Ống nhòm đặc biệt hữu ích để nhìn các miệng hố lớn trên Mặt Trăng, các mặt trăng của Sao Mộc, thỉnh thoảng là một sao chổi, quan sát riêng Mặt Trăng và các hành tinh lúc Mặt Trời mọc hay lặn, và, một khi bạn biết làm thế nào để tìm chúng, bạn còn có thể quan sát các cụm sao lớn và các nhóm sao trên toàn bộ bầu trời.

Tất cả các ống nhòm đều được đánh dấu với hai thông số chính: Độ phóng đại và khẩu độ. Chẳng hạn, một cặp ống nhòm được ký hiệu 7×50 có nghĩa là nó có độ phóng đại 7 lần (7x) và có đường kính vật kính là 50 mm. Vật kính càng lớn thì bạn có thể nhìn thấy các đối tượng mờ hơn và nhiều chi tiết hơn. Một thấu kính 50 mm sẽ thu thập được ánh sáng gấp 50 – 60 lần so với mắt thường, nghĩa là bạn có thể nhìn thấy các đối tượng mờ hơn đến 50 – 60 lần.

Các ống nhòm có độ phóng đại từ 6 đến 10 lần là cực kỳ hữu dụng cho việc ngắm sao, và thường đủ nhẹ để giữ trên tay cho những lần quan sát ngắn. Độ phóng đại lớn hơn có nghĩa là bạn sẽ nhìn thấy nhiều chi tiết hơn và bầu trời nền sẽ tối hơn. Nhưng bạn cũng sẽ có trường nhìn hẹp hơn, và sẽ khó để giữ một cặp ống nhòm lớn đủ vững vàng trên tay để nhìn chi tiết khi mà một sự rung động của cánh tay cũng làm ảnh hưởng đến việc quan sát đối tượng. Đối với việc sử dụng ống nhòm bằng tay, độ phóng đại khoảng 7-8x là tối ưu, và 10x là tối đa.

Vì có khẩu độ lớn, nên một cặp ống nhòm 10×80 sẽ giúp bạn nhìn thấy nhiều vật thể mờ hơn so với ống nhòm 10×50. Nhưng đổi lại, thấu kính lớn hơn thì khối lượng cũng nặng hơn, và các thấu kính lớn hơn 50mm nặng hơn sẽ khiến nó trở nên khó giữ ổn định trên tay trong một thời gian dài.

Các ống nhòm cũng cho phép nhìn bằng cả hai mắt, mang lại cảm giác thoải mái và tự nhiên, và nó giúp nhiều người quan sát có được một cảm nhận sâu hơn, mặc dù đây chỉ là một ảo giác với những đối tượng có khoảng cách lớn như vậy. Bạn cũng tránh được các ảnh hưởng gây mất tập trung của các đối tượng khác xung quanh khu vực quan sát. Các vật thể mờ trong thực tế cũng xuất hiện sáng hơn khi nhìn bằng cả hai mắt.

Một số ống nhòm được đánh dấu với kích thước của trường nhìn bằng đơn vị đo độ hay bằng đơn vị “feet tại 1000 yard”. Điều này nói cho bạn biết độ rộng của khung cảnh bạn sẽ nhìn. Đối với một thấu kính có kích thước cụ thể, độ phóng đại cao có nghĩa là trường nhìn sẽ nhỏ. Do đó bạn sẽ nhìn thấy bầu trời hẹp hơn với một cặp ống nhòm 10×50 so với cặp ống nhòm 7×50. Tất cả những thứ khác thì bằng nhau.

Một phép đo quan trọng khác của ống nhòm là “lỗ thoát” (exit pupil, còn gọi là vòng tròn thị kính), là kích thước của đĩa sáng khi bạn nhìn vào thị kính của ống nhòm giữ ở khoảng cách cánh tay. Lỗ thoát đơn giản là tỷ lệ của khẩu độ so với độ phóng đại. Một cặp ống nhòm 7×50 có lỗ thoát bằng 50/7 = 7 mm (làm tròn), và ống nhòm 7×35 thì có lỗ thoát bằng 5 mm.

Bạn cần phải chắc chắn rằng lỗ thoát của ống nhòm không lớn hơn kích thước của đồng tử mắt của mình khi nhìn trong tối. Dưới 30 tuổi, hầu hết mọi người có đồng tử khoảng 7 mm. Nhưng chúng giảm 1 mm sau mỗi 10-15 năm. Ở độ tuổi 50, sẽ không vấn đề gì khi sử dụng ống nhòm với lỗ thoát lớn hơn 5-6 mm. Nhưng nếu bạn già hơn, một cặp ống nhòm 7×35 hoăc 8×42 (cả hai đều có lỗ thoát khoảng 5 mm) có thể là lựa chọn tốt hơn so với ống nhòm 7×50 (với lỗ thoát 7 mm). Xét trên phương diện bình quân, các ống nhòm cũng không đến nỗi đắt đỏ.

Minh họa kích thước của lỗ thoát hay vòng tròn thị kính của ống nhòm. Credit: bhphotovideo.com

Minh họa góc nhìn và trường nhìn. Credit: Credit: bhphotovideo.com

Chọn ống nhòm như thế nào?

Khi bạn chọn ống nhòm, hãy gắn bó với một cặp ống nhòm sử dụng lăng kính Porro, là ống nhòm kiểu cổ điển trong đó vật kính và thị kính không đồng trục. Các ống nhòm có cái nhìn thẳng xuyên qua là loại ống nhòm sử dụng lăng kính vòm, và một cặp ống nhòm tốt loại này thì rất đắt. Bạn không cần phải chi trả cho loại thượng hạng. Cần tránh các ống nhòm với chức năng thu phóng (zoom) hay camera tích hợp. Chúng không hữu ích cho việc quan sát thiên văn học.

Khi lựa chọn một cặp ống nhòm, hãy thử nhìn ánh sáng phản xạ ở phía trước vật kính. Nếu vật kính được tráng phủ lớp chống phản xạ tốt, nó sẽ trông hầu như là tối, với một chút màu sắc phản xạ lại. Nếu vật kính có màu trắng, hoặc màu đỏ ruby thì đừng mua. Nhìn xuyên qua vật kính đến lăng kính bên trong, một lớp tráng chống phản xạ sẽ cho thấy một bề mặt lăng kính phủ màu. một bề mặt trắng trên lăng kính có nghĩa là không có lớp tráng chống phản xạ. Lớp tráng chống phản xạ không tốt hoặc không được tráng phủ sẽ tạo nên “ảnh ma” (ghost image) của các vật thể sáng như Mặt Trăng và các hành tinh.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!

Mặt cắt của một cặp ống nhòm sử dụng lăng kính vòm (hình trái) và lăng kính Porro (hình phải). Credit: bhphotovideo.com

Giữ ống nhòm ra xa và hướng thị kính về phía mắt. Hãy nhìn vào đĩa sáng của lỗ thoát. Đĩa sáng này xuất hiện tròn nếu lăng kính sử dụng thủy tinh cao cấp (được gọi là thủy tinh BAK-4). Nếu đĩa sáng có dạng vuông cạnh, thì các lăng kính được làm từ thủy tinh cấp thấp BK-7. Không tệ, nhưng không tối ưu.

Nếu bạn có bị cận thị hay viễn thị, thì bạn cũng chẳng cần phải đeo kính khi nhìn qua ống nhòm. Nhưng nếu bạn chứng loạn thị, thì bạn sẽ phải cần đến mắt kính của mình.

Bạn cũng cần kiểm tra sự sự sắc nét ngang qua trường nhìn. Một cặp ống nhòm chuẩn sẽ giữ sự sắc nét ra đến rìa của trường nhìn. Có thể sẽ không sắc nét đúng ngay rìa, nhưng nếu nó không giữ được sự sắc nét hoặc bị biến dạng nhiều, hãy chuyển sang chọn ống nhòm khác.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!

Đĩa sáng của lỗ thoát đối với ống nhòm dùng lăng kính thủy tinh cao cấp BAK-4 dạng tròn và thủy tinh cấp thấp BK-7 dạng vuông.

Lựa chọn ống nhòm ngắm sao

Như vậy lúc này bạn đã biết một chút về cách chọn ống nhòm cho thiên văn học, và tại sao ống nhòm lại là một dụng cụ tin cậy và thú vị dành cho việc ngắm sao. Nhưng thương hiệu và mẫu mã ống nhòm nào là tối nhất cho bạn? Điều đó tất nhiên tùy thuộc vào hoàn cảnh và khả năng tài chính của bạn. Có hàng tá mẫu mã tốt sẵn có hiện nay, và nhiều ống nhòm hiện đại chất lượng cao và vật liệu nhẹ với giá thành hợp lý. Đây là thời điểm tốt nhất lịch sử để chọn một cặp ống nhòm ngắm sao tốt.

Hãy bắt đầu với giá thành. Dự kiến mức giá khoảng 2 đến 6 triệu đồng cho một cặp ống nhòm ngắm sao tốt. Giá thành thấp hơn thường cho ảnh mờ hơn ở gần rìa của trường nhìn, và tráng phủ quang học chất lượng kém khiến ảnh mờ và xuất hiện ảnh ma. Các ống nhòm rất đắt sẽ mang lại ảnh sáng và mạnh cả trường nhìn, và sẽ tốt nếu bạn có thể chi từ 10 đến 15 triệu hoặc hơn. Nhưng không nhất thiết phải chi nhiều tiền như vậy.

Hãy chọn ống nhòm ngắm sao với khẩu độ 35 mm đến 60 mm và độ phóng đại 7x đến 10x. Như vậy một cặp ống nhòm 7×35 là cái nhỏ nhất chấp nhận được cho quan sát thiên văn học. Một cặp ống nhòm 7×50 thì tốt hơn bởi nó cho cùng độ phóng đại nhưng trường nhìn rộng hơn.

Nếu bạn đã hơn 40 tuổi, bạn có thể không cần đến lỗ thoát 7 mm của ống nhòm 7×50, vậy bạn có thể xem xét 8×42 cho ảnh lớn hơn một chút. Nếu bạn không quan tâm đến khối lượng, một cặp ống nhòm 8×56 hoặc 10×50 là lựa chọn tuyệt vời cho ngắm sao. Tương tự, 9×63 là tuyệt đỉnh, mặc dù chúng có thể hơn nặng một chút. Bất cứ ống nhòm nào cao hơn 10x sẽ cho ảnh dễ bị rung động. Bất cứ ống nhòm nào lớn hơn 63 mm thì sẽ rất nặng và khó cầm giữ trong thời gian dài.

Đối với thương hiệu, các ống nhòm chế tạo bởi các hãng Orion, Celestron, Nikon, và Vega thường là lựa chọn tốt. Không phải tất cả nhà sản xuất đều có tất cả cấu hình về độ phóng đại và khẩu độ của ống nhòm, nhưng luôn có đủ lựa chọn cho bạn để tìm thứ gì đó có thể làm việc tốt.

Đó là tất cả về ống nhòm. Một khi bạn đã chọn được cặp ống nhòm cho riêng mình, hãy ra ngoài và hướng nó đến Đám mây sao Nhân Mã Cung Thủ (Sagittarius), hoặc cụm sao Thất Nữ (Pleiades), hoặc các ngôi sao sáng và tinh vân của chòm sao Thợ Săn (Orion), và bạn sẽ hoàn toàn ngạc nhiên trước những vẻ đẹp mà bạn nhìn thấy.

Còn tiếp…
Nguồn: A Beginner’s Guide to Choosing Binoculars and Telescopes for Stargazing

Trả lời