Hướng dẫn quan sát
Hướng dẫn chọn ống nhòm và kính thiên văn cho người mới bắt đầu (P1)
Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả tài liệu “Hướng dẫn chọn ống nhòm và kính thiên văn cho người mới bắt đầu” được phát hành bởi One-Minute Astronomer và Mintaka Publishing Inc.Tài liệu này sẽ lướt qua các khái niệm cơ bản về ống nhòm và kính thiên văn, và cuối cùng là đề xuất một số loại kính thiên văn và phụ kiện tùy theo nhu cầu và khả năng của mỗi người. Chúc các bạn sớm chọn được một chiếc thiết bị phù hợp và chúc cho bầu trời của bạn luôn quang đãng!
Mục đích của Kính thiên văn
Bạn có thể nhìn thấy rất nhiều thứ hay ho trên bầu trời đêm chỉ đơn giản với đôi mắt trần. Trong điều kiện đêm tối, cách xa ánh đèn thành phố, bạn có thể nhìn thấy khoảng 2000 ngôi sao, một số cụm sao, những vệt sương mờ của các tinh vân nơi có những ngôi sao mới đang hình thành, và thậm chí là một hoặc hai thiên hà đang chứa khoảng 10 tỷ ngôi sao ở bên ngoài Dải Ngân Hà.
Nhưng hầu hết những người ngắm sao mới đều muốn nhìn thấy nhiều hơn nữa. Điều đó có nghĩa là họ sẽ muốn sở hữu một cặp ống nhòm hay một chiếc kính thiên văn, hoặc cả hai. Một cặp ống nhòm sẽ giúp nhìn thấy khoảng mười ngàn ngôi sao và hàng tá các đối tượng “sâu” và sáng như các cụm sao, tinh vân, và các thiên hà. Và thậm chí một chiếc kính thiên văn đơn giản đặt trong sân nhà có thể quan sát được hàng ngàn các đối tượng mê hoặc khác… đủ cho một cuộc đời của những quan sát thú vị và những chiêm nghiệm đầy thỏa mãn.
Tuy nhiên, việc lựa chọn một cặp ống nhòm hay một chiếc kính thiên văn lại là một thách thức lớn đối với những người mới bắt đầu ngắm sao. Có hàng trăm mẫu mã sẵn có với tất cả các loại chi tiết kỹ thuật và tính năng khiến người ta phải bối rối. Nhiều người mới bắt đầu cuối cùng đã chọn những kính thiên văn quá lớn, quá phức tạp, hoặc chất lượng quá nghèo nàn… để sử dụng. Và nhiều người cuối cùng trở nên thất bại với việc ngắm sao và bỏ cuộc.
Điều đó sẽ không xảy ra với bạn. Bởi vì tài liệu này sẽ chỉ cho bạn những kiến thức cơ bản trong việc lựa chọn một chiếc kính thiên văn cho người mới bắt đầu và một cặp ống nhòm tốt để quan sát bầu trời đêm. Với hướng dẫn này, bạn sẽ có khả năng chọn được những công cụ ngắm sao đúng với khả năng tài chính và hoàn cảnh cá nhân, những công cụ sẽ giúp bạn nhìn thấy hàng ngàn đối tượng vũ trụ tuyệt đẹp và đáng nhớ mà chỉ một số ít người có thể nhìn thấy được.
Mục đích của một chiếc kính thiên văn
Trước khi chúng ta đi sâu vào việc chọn một thiết bị quang học tốt cho việc ngắm sao, hãy lướt qua những điểm cần biết về kính thiên văn để giúp bạn có thể hiểu được các nội dung trong tài liệu này. Có thể sẽ hơi khó để bắt đầu từ đây, nhưng một khi bạn đã hiểu được những điều này, thì phần còn lại của tài liệu sẽ trở nên dễ dàng hơn.Thực tế là, hầu hết những người mới bắt đầu đều tin rằng mục đích của một chiếc kính thiên văn là để phóng đại các đối tượng, để khiến chúng trông lớn hơn.Điều này không đúng. Vậy thì, mục đích của một chiếc kính thiên văn là gì?
Mục đích của kính thiên văn là để thu thập ánh sáng.
Một chiếc kính thiên văn sử dụng các thấu kính hoặc gương cầu (được gọi là vật kính) để thu thập ánh sáng từ các đối tượng ở xa và tập trung ánh sáng đó vào một ảnh. Một vật kính lớn sẽ thu được nhiều ánh sáng hơn và tạo ra ảnh sắc nét hơn và cũng sáng hơn.Ảnh hội tụ hình thành bởi vật kính của một kính thiên văn được phóng đại bởi một thấu kính thứ hai nhỏ hơn gọi là thị kính. Là người quan sát, chúng ta nhìn vào thị kính để thấy ảnh phóng đại từ vật kính. Nhưng một thị kính sử dụng một thấu kính hay gương nhỏ, chỉ đơn giản là phóng đại một ảnh mờ.
Hình 1: Lược đồ của một kính thiên văn đơn giản.
Do đó, mặc dù độ phóng đại là hữu ích, thì nó cũng chẳng giúp bạn nhìn chi tiết hơn trong một chiếc kính thiên văn. Độ chi tiết và độ sáng của ảnh tất cả đều đến từ một lượng ánh sáng thu thập bởi vật kính. Và nó tùy thuộc vào đường kính của vật kính, còn gọi là khẩu độ. Cũng giống như một cái chậu lớn thu được nhiều giọt mưa hơn cái chậu nhỏ, một vật kính lớn sẽ thu được nhiều ánh sáng hơn vật kính nhỏ.
Hãy lấy một ví dụ. Khi quan sát Sao Mộc bằng hai kính thiên văn, một chiếc có đường kính vật kính là 2 inch và chiếc còn lại là 4 inch, và chọn thị kính cho mỗi kính thiên văn để có độ phóng đại 100 lần (hay 100x). Như vậy mỗi ảnh sẽ xuất hiện với kính thước bằng nhau.
Với chiếc kính thiên văn có khẩu độ 2 inch, các dải mây lớn nhất của Sao Mộc sẽ quan sát được nhưng hơi mờ. Và với chiếc kính thiên văn 4 inch, bạn nhìn thấy được nhiều cấu trúc và màu sắc hơn, và các dải mây nhỏ hơn cũng hiện diện trong khi chúng lại không được nhìn thấy ở chiếc kính 2 inch. Lợi thế của kính thiên văn lớn hơn là thu được nhiều ánh sáng hơn nên chúng ta có khả năng nhìn thấy nhiều chi tiết hơn so với chiếc kính thiên văn nhỏ với cùng độ phóng đại.
Hình 2: Sao Mộc ở độ phóng đại 100x trong một kính thiên văn có khẩu độ 2 inch (bên trái) và 4 inch (bên phải).
Như vậy một chiếc kính thiên văn thu được nhiều ánh sáng hơn sẽ cho quan sát tốt hơn. Điều đó có nghĩa là lựa chọn một chiếc kính thiên văn sẽ đơn giản? Chỉ đơn giản chọn chiếc kính thiên văn nào có vật kính lớn nhất có thể?
Đúng, nhưng bạn sẽ phải đánh đổi. Những chiếc kính thiên văn có khẩu độ càng lớn thì càng đắt, càng nặng, và trong một số trường hợp, càng khó dùng hơn so với các kính thiên văn nhỏ. Chúng tạo ra một cái nhìn bầu trời đêm hẹp hơn so với những chiếc kính thiên văn nhỏ. Vì vậy bạn cần phải xem xét tất cả những điều này.
Nhưng chúng ta đang đi đúng hướng. Chúng ta sẽ lướt qua tất cả những điểm này một cách ngắn gọn. Từ đây, chỉ cần nhớ rằng mục đích của một chiếc kính thiên văn là để thu thập ánh sáng, và càng nhiều ánh sáng thì ảnh sẽ càng tốt hơn và trải nghiệm quan sát sẽ càng thú vị hơn. Trước khi chúng ta tìm hiểu sâu hơn về kính thiên văn, hãy cùng thảo luận về những chiếc ống nhòm, một dụng cụ quang học bao quát và hữu dụng nhất cho việc quan sát bầu trời đêm.
Còn tiếp…
Theo Hien Phan – VLTV
Nguồn: A Beginner’s Guide to Choosing Binoculars and Telescopes for Stargazing