Đây là một bài viết của tác giả là thạc sĩ Nguyễn Hoài Nam trích từ cuốn kỷ yếu “10 năm Thiên văn học Việt Nam” đã được VACA thực hiện nhân dịp 10 năm thành lập của mình. Bài viết này chắc chắn sẽ rất hữu ích cho các độc giả quan tâm tới việc quan sát bầu trời quan kính thiên văn.
Những mục tiêu tốt nhất cho kính thiên văn
Bạn đọc đã biết rằng kính thiên văn là một công cụ mạnh mẽ của con người trong hơn 400 năm qua để khám phá vũ trụ. Ngày nay với người ham thích thiên văn nghiệp dư trên thế giới, kính thiên văn đã trở nên khá quen thuộc từ những chiếc kính với độ phân giải cao và hệ thống điều khiển phức tạp cho tới những kính thiên văn được chế tạo từ chính bàn tay của những người say mê với nó. Tuy nhiên một chiếc kính thiên văn chỉ phát huy tối đa tác dụng của nó nếu bạn biết sử dụng nó một cách hợp lý.
Với những người mới tìm hiểu thiên văn và bị sự kì thú của nó lôi cuốn, đôi khi việc được quan sát một thiên thể xa xôi qua kính thiên văn là một điều hạnh phúc. Nhưng bạn đọc cần biết rằng có nhiều hạn chế với những kính thiên văn nghiệp dư, hay thậm chí tự chế nhất là với điều kiện còn nhiều hạn chế ở Việt Nam kính của các bạn đôi khi chỉ là hai thấu kính ghép lại. Những thiên hà xa xôi và những tinh vân nhiều màu sắc là những đối tượng không phù hợp với những kính thiên văn loại thô sơ hay thậm chí là những kính có độ phân giải tương đối cao của dân nghiệp dư. Hãy xác định cho mình những đối tượng hợp lý và chọn đúng thời gian, địa điểm để quan sát chúng.
Ánh sáng mạnh là kẻ thù của người quan sát thiên văn. Do đó hãy tránh xa ánh đèn thành phố. Nếu ở trong thành phố bạn có thể đi về những khu ngoại ô yên tĩnh nếu có điều kiện. Nếu không, bạn nên chọn những vị trí cao và có góc nhìn rộng để hạn chế ảnh hưởng của sự ô nhiễm ánh sáng. Trong những chuyến đi xa ra các khu ngoại ô để quan sát bầu trời hay đơn giản là chỉ đi dạo ngắm cảnh đẹp thiên nhiên, tôi thường chuẩn bị cho mình đủ những dụng cụ cần thiết cho những tình huống có thể xảy ra, có thể nó cũng có ích cho bạn đọc chưa có kinh nghiệm trong việc này. Không phải một chuyến dã ngoại hay du lịch, chỉ là một chuyến đi ngắn nên bạn không cần chuẩn bị quá cầu kì, nhưng những vật dụng sau thì hãy tin tôi rằng sẽ có lúc bạn cần tới: một chiếc đèn pin (bằng kim loại là tốt nhất vì có thể có lúc bạn cần tới độ cứng của nó), một chiếc la bàn nhỏ, đồng hồ (tất nhiên bạn có thể xem giờ bằng điện thoại di động), mũ đội đầu, áo đi mưa, bật lửa, một con dao nhỏ, ngoài ra tất nhiên còn các dụng cụ quan sát của bạn và tốt nhất ăn mặc gọn gàng cũng sẽ giúp bạn nhiều trong một chuyến đi xa.
Những đối tượng nào là phù hợp nhất để bạn quan sát bằng các kính thiên văn nghiệp dư? Đây là một câu hỏi mà bạn đọc cần trả lời được để việc quan sát được hiệu quả. Có nhiều bạn độc trẻ khi hoàn thành một chiếc kính thiên văn bằng đôi tay của mình, thay vì vui mừng và tự hào thì lại là cảm giác thất vọng. Bởi vì sao? Bạn đã quá kì vọng vào một chiếc kính trong mơ mà không tính tới những yếu tố thực tế. Nên nhớ rằng ngay cả những chiếc kính với giá tới trên 1000 euro mà bạn đặt mua tại các hãng sản xuất hàng đầu thế giới cũng không thể cho phép bạn nhìn thấy những màu sắc như trong các ảnh chụp trên Google. Ngoài ra hãy chỉ chú ý tới các đối tượng sáng nhất và đáng để quan sát nhất thôi.
Những đối tượng nào là sáng nhất? Trừ Mặt Trăng ra thì bạn đọc có kiến thức cơ bản về thiên văn sẽ nghĩ tới Sao Kim, Sao Hỏa, Sao Mộc hay sao Sirius – ngôi sao sáng nhất sau các hành tinh trong hệ. Tuy nhiên Sao Kim không phải một đối tượng quan sát tốt mặc dù nó rất sáng. Tất cả những gì bạ nhìn thấy chỉ là một quầng sáng màu vàng do bầu khí quyển dày và độc hại của nó. Những ngôi sao như Sirius, Canopus dù có sáng hơn thế nhiều lần nhưng chúng chỉ là những quả cầu khí xa xôi, nếu bạn dùng máy tính phóng đại bức ảnh của một bóng đèn lên bao nhiêu lần nó cũng chỉ như thế mà thôi, vì vậy các đối tượng này không phải mục tiêu hợp lý để quan sát qua các kính thiên văn quang học nghiệp dư.
Những đối tượng quan sát tốt nhất của bạn trước tiên sẽ là Mặt Trăng, rồi tiếp theo là Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Hỏa và một vài thiên hà, tinh vân đáng chú ý.
Để quan sát Mặt Trăng, hãy chỉnh vị trí của thị kính phù hợp, và nhắm vào những vùng lân cận khu vực nửa tối trong những đêm từ khoảng mùng 6, 7 tới 11, 12 theo tháng âm lịch. Trăng rằm là một đối tượng quan sát tồi vì nó quá sáng nên sẽ che lấp những miệng núi và thung lũng mà bạn có thể quan sát. Thật ra bạn có thể giải quyết chuyện này bằng một lớp kính mỏng gọi là moon filter, nó sẽ làm giảm ánh sáng của Mặt Trăng khi tới mặt bạn. Với các kính thiên văn sản xuất công nghiệp thì hầu hết đều có cái này, còn với các kính tự chế tạo, bạn cũng có thể tự thiết kế nó bằng cách sử dụng một tấm kính hay một miếng nilon màu xanh nhưng vẫn đủ trong để quan sát qua đó. Mặc dù vậy như tôi đã nói, không nên quan sát Mặt Trăng vào các đêm rằm vì ngoài việc nó che lấp chính bản thân thì nó còn làm mờ cả các đối tượng quan sát hấp dẫn khác, tất nhiên là trừ những ngày rằm có hiện tượng nguyệt thực xảy ra. Bạn đọc nên có một tấm bản đồ phần nhìn thấy của Mặt Trăng để đối chiếu khi quan sát. Những bản đồ này bây giờ rất dễ tìm kiếm trên internet và chỉ cần in ra bằng một máy in đen trắng bất kì, chẳng hạn như hình dưới đây.
Để quan sát các hành tinh, tốt nhất nên chọn đúng thời điểm để có kết quả tốt. Các hành tinh có chu kì khác Trái Đất nên chúng không có vị trí ổn định như nền sao ở xa. Đơn giản nhất bạn đọc nên làm là dùng các phần mềm máy tính để kiểm tra vị trí của các hành tinh, tôi thì thường dùng phần mềm miễn phí download tại trang www.stellarium.org. Đừng quên thiết lập chính xác vị trí của người sử dụng và thời điểm bạn muốn quan sát. Nên chọn những ngày không phải trăng tròn và các hành tinh nằm ở vị trí tương đối cao.
Sao Mộc là đối tượng đáng quan sát nhất qua kính thiên văn nghiệp dư. Đẩy thị kính của bạn tiến vào sâu hơn một chút so với khi quan sát Mặt Trăng và cố gắng cố định hướng của ống kính vì nó sẽ biến mất ngay tức khắc nếu bạn không giữ được chính xác hướng nhìn của mình. Mặc dù không thể nhìn rõ những màu sắc như trong các bức ảnh trên mạng đã được chụp bằng kĩ thuật phơi sáng, và qua những thiết bị hàng nghìn lần hiện đại hơn chiếc kính nghiệp dư bạn đang sở hữu nhưng những màu sắc cơ bản với những vạch màu nâu, vàng đậm là những gì bạn sẽ quan sát thấy, và hơn thế nữa là 4 vệ tinh Galilei của hành tinh này. Nếu bạn không thể nhìn thấy đủ 4 chấm sáng trong hình ảnh của mình thì chẳng qua vì một vài trong số đó đang bị chính Sao Mộc che khuất, hãy quan sát nhiều lần trong nhiều ngày nếu có điều kiện để nhìn rõ chuyển động của các vệ tinh này như Galilei từng làm 400 năm trước, đó cũng là một công việc thú vị.
Sao Thổ cũng như Sao Mộc, chỉ cần xác định đúng phương hướng và cố định kính là bạn sẽ dễ dàng quan sát nó. Thú vị nhất khi nhìn hành tinh này chính là cái vành (ring) của nó. Tuy nhiên nó sẽ không nhiều màu sắc thú vị như bạn từng xem trong các bức ảnh, cả hành tinh và vành đai này đều hiện lên với màu vàng nhạt.
(Sao Mộc và Sao Thổ qua các kính thiên văn nghiệp dư)
Tiếp theo trong Hệ Mặt Trời là Sao Hỏa, hành tinh được nhắc tới nhiều nhất trong đủ mọi tiểu thuyết viễn tưởng và những liên tưởng phong phú về sự sống ngoài Trái Đất. Theo tôi thì quan sát hành tinh này không lấy gìlàm thú vị vì tất cả những gì bạn nhìn thấy chỉ là một màu đỏ nhạt và có chăng là vài mảng đen với chỏm băng mờ nhạt ở địa cực nếu kính thiên văn là tương đối tốt. Dù sao đây là hành tinh duy nhất trong Hệ Mặt Trời mà chúng ta có thể nhìn thấy phần nào bề mặt qua các kính nghiệp dư.
Một dạng đối tượng rất đáng quan sát với các kính nghiệp dư hay gọn gàng hơn là các ống nhòm đấy là các thiên hà và tinh vân sáng. Hãy nhớ đẩy thị kính của bạn sâu hơn nữa về phía vật kính để có thể quan sát các thiên thể ở xa vô cực.
Đáng chú ý đầu tiên là thiên hà Andromeda (M31), thiên hà xoắn láng giềng của thiên hà chúng ta, trong chòm sao cùng tên. Ở khoảng cách tới gần 3 triệu năm ánh sáng nó phát ra ánh sáng đủ mạnh để có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Thậm chí chỉ cần một ống nhòm nhỏ bạn cũng có thể nhìn thấy một dải sáng như hợp lại từ vô số chấm sáng nhỏ khi hướng về phía nó. Những gì bạn nhìn thấy chính là hàng tỷ tỷ mặt trời như Mặt Trời của chúng ta.
(Thiên hà xoắn Andromeda có thể được thấy qua các kính thiên văn nghiệp dư)
Tiếp theo không hề kém cạnh với Andromeda là quần sao Pleiades (M45) mà còn thường được gọi là nhóm thất tinh. Bằng mắt thường bạn cũng có thể nhận ra nó rất dễ dàng, đó là một nhóm sao nhỏ gồm 7 ngôi sao sáng nhất nằm ngay trong chòm sao Taurus. Qua các ống nhòm hay kính thiên văn nhỏ bạn đọc cũng thấy nó khá rõ ràng là một quần sao màu xanh với rất rất nhiều sao trong đó có 7 ngôi sao sáng nhất có thể thấy bằng mắt thường mà vì thế được gọi là Thất Tinh. Đây là một quần sao mở trong Milky Way nằm cách Trái Đất khoảng 400 năm ánh sáng.
Một thành viên khác của danh sách Messier mà bạn nên quan sát là tinh vân Orion (M42), một tinh vân phát xạ cùng thiên hà cách Trái Đất khoảng 1350 năm ánh sáng. Khác với Andromeda và Pleiades, tinh vân Orion tuy có thể phát hiện bằng mắt thường nhưng sẽ khá là mờ nhạt. Nó nằm ở vị trí thanh kiếm của Orion, bên dưới cái thắt lưng một chút. Nếu bạn chưa biết cái thắt lưng của Orion ra sao thì tôi sẽ cho bạn biết rằng nó rất rất dễ xác định vì nó là 3 ngôi sao thẳng hàng và cách đều nhau trên bầu trời, nó đủ đáng chú ý tới mức nếu nó chỉ cần có mặt thì không một ai khi nhìn lên trời lại không chú ý tới nó. Tinh vân Orion nằm ngay ở gần đó, nó không phải một đốm sáng như một ngôi sao mà là một vùng sáng mờ hơn nhưng rộng hơn.
Bạn đọc có thể sử dụng các chương trình mô phỏng, các danh sách về các thiên hà, tinh vân sáng nhất cùng nhiều hướng dẫn khác tại site Thiên văn Việt Nam của VACA để tìm hiểu và hoàn thiện thêm những kĩ năng quan sát của mình. Trong nội dung của bài viết cho cuốn kỷ yếu mà tôi vinh hạnh được tham gia này, tôi chỉ xin được chia sẻ đôi điều hiểu biết của một người yêu khoa học và thiên văn học, cũng là những gì mà phần nào tôi học được nhờ VACA.
Nguyễn Hoài Nam (Thienvanvietnam.org )