fbpx

Hướng dẫn sử dụng kính thiên văn – Phần 1

Celestron Astromaster 76EQ

Khi sở hữu được một chiếc kính thiên văn cho riêng mình, chắc hẳn bạn sẽ rất vui. Bạn sẽ nghĩ ngay đến những hình ảnh tuyệt vời, những điều bí mật bấy lâu nay từ bầu trời sẽ hé lộ trước mắt bạn, những điều mà với mắt thường bạn không bao giờ có thể quan sát được. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ của bạn thôi. Khi bạn bắt tay vào việc quan sát thực tế bằng kính thiên văn thì rất dễ gặp khó khăn nếu không biết sơ bộ về cách sử dụng nó. Dĩ nhiên là một người đam mê khám phá những điều mới, đam mê Thiên văn học thì ta có thể từng bước “mò” ra cách sử dụng kính nhưng sẽ ngốn khá nhiều thời gian của bạn.

Với vài hướng dẫn trong mục này, hi vọng bạn sẽ “thuần phục” kính thiên văn của mình nhanh chóng và dễ dàng. Hơn nữa, sau khi sử dụng thành thạo, bạn có thể nâng lên thành “nghệ thuật” sử dụng kính để biểu diễn cho mọi người cùng xem. Và thật sự là thế, kính thiên văn là một dụng cụ không thể thiếu của các nhà Thiên văn, cũng giống như cây đàn của người nhạc công vậy. Nếu ta sử dụng thành thạo nó thì việc quan sát thiên văn sẽ thêm phần thú vị, hơn là mỗi khi quan sát phải “đổ mồ hôi hột” để chỉnh kính vì không biết rõ việc sử dụng.

A. Trước hết hãy hiểu biết về chiếc kính thiên văn mà bạn đang sở hữu

I. Về loại kính thiên văn

Điều quan trọng đầu tiên mà ta cần đề cập tới là kính của bạn thuộc loại gì? Bạn có thể tìm thấy câu trả lời này trong menu hướng dẫn kèm theo kính. Hoặc bạn có thể dễ dàng nhận ra bằng cách quan sát cấu tạo kính. Nếu kính của bạn là kính khúc xạ (refractor) thì việc sử dụng sẽ có phần dễ dàng hơn kính phản xạ (reflector) và kính tổ hợp (Cassegrain).

Với người bắt đầu bạn nên chọn cho mình một chiếc kính khúc xạ. Vì việc điều chỉnh một chiếc kính khúc xạ nhìn thấy rõ được đối tượng sẽ khá đơn giản. Người sử dụng hầu như hoàn toàn không thao tác với phần ống kính chính trừ bộ phận lấy nét (focus) và thị kính (eyepiece). Ngược lại, với chiếc kính phản xạ và tổ hợp. Vì cấu tạo phức tạp hơn nên việc sử dụng cũng sẽ khó hơn. Người sử dụng phải thao tác với phần ống kính, canh chuẩn trục giữa gương sơ cấp và gương thứ cấp của kính mới mong nhìn rõ được đối tượng. Đây là cái giá bạn phải trả cho kính phản xạ và tổ hợp vì chất lượng hình ảnh của chúng thu được tốt hơn kính khúc xạ rất nhiều.

Cấu tạo phức tạp của kính phản xạ, phần vòng tròn nhỏ ở giữa giá đỡ dấu thập là gương thứ cấp. Cái mà ta cần tinh chỉnh trực chuẩn với gương sơ cấp (gương cầu phản xạ).

II. Về chân đế (Mount) của kính thiên văn

Đây là một phần quan trọng không kém. Nếu thiếu nó thì bạn sẽ chẳng thể nào xem được thứ gì từ kính thiên văn của bạn. Kính thiên văn mà thiếu chân thì cũng giống như xe mà không có bánh vậy. Nói thế để bạn có thể thấy hết tầm quan trọng của nó.

Do kính thiên văn là dụng cụ quan sát những thiên thể rất nhỏ. Nên độ bội giác (Magnification) của nó phải rất lớn để thu được hình ảnh lớn. Điều này dẫn tới góc quan sát (Field of view) sẽ nhỏ lại, góc quan sát này càng nhỏ. Do đó, những hình ảnh sẽ rất dễ bị run lắc bởi những dao động dù rất nhỏ của ống kính (máy chụp ảnh và quay phim cũng có nguyên tác này). Vì vậy, cái chân đế sẽ là một điểm tựa chắc chắn bảo đảm cho bạn thu được hình ảnh tốt mà không bị run, nhòe.

Chân đế cũng được chia thành nhiều loại từ bình thường đến cao cấp, cụ thể là:

Chân loại đơn giản (Mount):

Thuộc loại chân đế theo tọa độ đường chân trời (Horizontal mount) nhưng đơn giản nhất. Sử dụng trực quan nhất thường gặp ở những kính đơn giản có giá rẻ cho người mới làm quen. Nó chỉ có nhiêm vụ đơn giản là đỡ ống kính, chỉnh kính hướng lên xuống, qua trái qua phải, cố định tại một điểm (khá giống với kiềng ba chân của máy ảnh). Ai cũng có thể dễ dàng sử dụng loại chân đế này ngay cả trẻ con . Loại kính cho trẻ con làm quen với đều cũng sử dụng loại chân này.

kính thiên văn

Chân đế theo tọa độ xích đạo trời (Equatorial Mount):

Đây là loại cao cấp hơn. Nó kèm theo các vòng tròn chia độ kinh vĩ bầu trời để người quan sát có thể dễ dàng tìm được đối tượng quan sát thông qua tọa độ đã biết từ bản đồ sao và tài liệu. Việc sử dụng loại chân này khá phức tạp. Nó đòi hỏi phải hiểu biết về hệ thống kinh vĩ độ trời, sự chuyển động của thiên thể trên bầu trời. Loại này có nhiều khớp điều chỉnh hơn kèm theo nhiều khóa (lock knob) và vòng tinh chỉnh. Có loại còn hỗ trợ gắn motor vào để hổ trợ quan sát (sẽ đề cập trong phần sau). Loại chân đế này thường được dùng trong những kính phổ thông thuộc loại trung và có giá trung bình.

Vài bộ phận cơ bản của loại chân đế này:
– Trục cực (Right Ascension)
– Trục nghiêng (Declination)
– Vòng quay góc phương vị (Azimuth)
– Các vòng chia độ kính vĩ bầu trời và vĩ độ trái đất
– Các vòng tinh chỉnh kinh vĩ độ trời, đối trọng của kính (Counterweight)

kính thiên văn

Chân đế Theo tọa độ đường chân trời (Horizontal Mount):

 Đây là loại chân đế thường dùng cho kính thiên văn lớn đặt cố định ở các đài thiên văn. Không có kiềng ba chân. Mà chỉ có một bệ nặng cố định với mặt đất để gánh trọng lượng lớn của kính. Hệ thống gồm 2 trục xoay. Một trục đặt nằm song song với mặt phẳng đượng chân trời. Trục kia đặt vuông góc với mặt phẳng đường chân trời theo hướng dây rọi hướng thẳng lên thiên đỉnh. Hệ thống này khá giống với hệ thống chân đế đơn giản nhưng có hổ trợ hệ thống thước đo tọa độ chuyên dụng. Thường dùng cho kiểu kính Dobsonian.

Chân đế điện tử (Electronic mount):

Đây là loại chân đế cao cấp nhất thường xuất hiện trong những kính thiên văn loại lớn, cao cấp. Kính thiên văn sử dụng loại chân này được gọi là kính thông minh (Smart telescope). Hệ thống chân đế này hoàn toàn tự động, hoạt động bằng điện. Để sử dụng được loại kính này người quan sát cũng phải có những kiến thức cơ bản về bầu trời cùng cách vận hành hệ thống tùy loại chân đế.

Loại chân này hỗ trợ quan sát cùng nhiếp ảnh thiên văn rất tốt. Bạn chỉ việc nhập thông số tọa độ, múi giờ nơi mình sống và tọa độ trời của đố tượng. Kính sẽ tự động xoay đến đối tượng cần quan sát đồng thời di chuyển theo đối tượng theo thời gian khi thiên cầu xoay. Nếu không có tọa độ, người sử dụng có thể chọn trong menu có sẵn của kính. Tùy từng loại hổ trợ nhiều hay ít từ vài nghìn đến vài chục nghìn đối tượng được lập trình sẵn, dĩ nhiên cả 8 hành tinh, mặt trời, mặt trăng.


Có hai kiểu thiết kế chân đế điện tử:
– Thiết kế theo hệ toạ độ xích đạo trời
– Thiết kế theo hệ tọa độ đường chân trời.

kính thiên văn


Đây là kính dùng loại chân đế điện tử

III. Về kính định vị (finderscope)

Kính định vị là một kính nhỏ riêng biệt có độ phóng đại nhỏ. Nó có góc nhìn rộng được gắn kèm trên ống kính thiên văn (giống như ống ngắm của súng bắn tỉa) dùng để định vị đối tượng quan sát. Cấu tạo khá đơn giản gồm một ống kính và một giá nhỏ để gắn vào kính thiên văn. Độ phóng đại của kính này khá nhỏ vào khoảng 5x – 10x. Trong thị kính của kính này thường làm một dấu thập. Để dễ dàng định vị đối tượng vào giữa trung tâm. Đa số kính thiên văn đều hổ trợ kính này, chỉ những kính đơn giản và có bội giác thấp có thể không có. Nó cũng có nhiều loại, thông dụng nhất là loại ống kính, ngoài ra còn có vài loại khác.

Cách sử dụng finderscope loại ống kính:

Bạn đừng vội gắn kính vào kính thiên văn. Hãy gắn nó vào giá nhỏ và cầm trên tay đặt vào mắt nhìn thử cảnh vật xung quanh. Bạn sẽ thấy khá lạ lẫm vì hình ảnh đảo lộn hết cả (trái là phải, trên là dưới). Sở dĩ như vậy là do đây là một dụng cụ để quan sát trên bầu trời, việc đảo lộn này không mấy quan trọng khi bốn bề đều là bầu trời tối đen. Nhà sản xuất kính đã nghiên cứu kĩ, nếu làm cho hình ảnh trở về bình thường thì kính định vị sẽ trở nên cồng kềnh không cần thiến. Bạn hãy dần làm quen với việc đảo lộn này và dấu thập đen để định vị.

Kính định vị và giá của nó thường không cố định mà được làm rời. Điều này giúp người dùng có thể cơ động điều chỉnh kính cho chính xác với vùng nhìn của kính thiên văn chính (Aligning finderscope). Thông thường ta có thể chỉnh bằng 2 khóa được thiết kế trên giá.

Mẹo để tinh chỉnh

Đầu tiên, dùng kính định vị để tìm ra một vật thể dễ nhìn thấy trên mặt đất (khoảng cách phải khá xa chổ đứng). Sau đó, nhìn bằng ống kính thiên văn chính. Vật thể hiện ra bị lệch tâm vùng nhìn thấy của thị kính rất nhiều. Bạn cứ tinh chỉnh kính thiên văn lại cho vật thể hiện ra ở tâm khi nhìn vào thị kính. Bây giờ ta quay lại với kính định vị. Sau khi chỉnh kính thiên văn, hình ảnh đã không còn nằm ở tâm dấu thập nữa. Bạn hãy chỉnh hình ảnh lại giữa dấu thấp bằng cách vặn những cái khóa tinh chỉnh trên giá nhỏ của kính.

Sau khi làm xong việc này thì kính định vị đã thẳng hàng với kính thiên văn của bạn. Và sẵn sàng quan sát bầu trời rồi đấy. Bảo đảm bất cứ vật thể nào nằm giữa dấu thập của finder cũng sẽ nằm giữa thị kính của kính thiên văn.

Lưu ý: Việc tinh chỉnh này sau một thời gian sử dụng kính phải làm lại. Vì trong quá trình quan sát, những va chạm vô tinh có thể làm lệch kính định vị đi.

(Còn nữa…)

Tham khảo

Những mục tiêu tốt nhất cho kính thiên văn
Tìm hiểu về thị kính trong kính thiên văn
Video giới thiệu sản phẩm của MeZOOM xem tại đây

Trả lời