fbpx

Đôi điều về cách chọn kính thiên văn cho người mới chơi

Vào những đêm tối có thời tiết thuận lợi khi ngước lên nhìn trời chắc hẳn các bạn đều nhìn thấy rất nhiều thứ hay ho trên bầu trời đêm bằng mắt thường phải không nào? Bạn có thể nhìn thấy khoảng 2000 ngôi sao, một số cụm sao, những vệt sương mờ của các tinh vân nơi có những ngôi sao mới đang hình thành, hay thậm chí là một hoặc hai thiên hà đang chứa khoảng 10 tỷ ngôi sao ở bên ngoài Dải Ngân Hà. Nhưng với những ai thích ngắm sao, thích tìm hiểu không gian vũ trụ cũng như muốn tìm hiểu về thiên văn đều mong muốn nhìn được nhiều hơn thế. Điều này đòi hỏi bạn phải có một chiếc kính thiên văn. Đối với những người mới tìm hiểu về thiên văn để lựa chọn cho mình chiếc kính thiên văn tốt là điều không hề đơn giản. Biết được điều này, meZOOM xin chia sẻ tới các bạn đôi điều về cách chọn kính thiên văn cho người mới chơi qua bài viết này.

1. Lựa chọn loại kính thiên văn khúc xạ hay phản xạ

Mua chiếc kính thiên văn đầu tiên đó chính là một bước đi lớn. Trước hết, bạn nên quan tâm đến giá cả của sản phẩm. Bạn có thể chi vài triệu cho một chiếc kính thiên văn tốt, hay vài chục triệu cho một chiếc kính thiên văn tuyệt hảo. Nhưng theo khuyến cáo của chúng tôi, bạn không nên mua một kính thiên văn dưới 5 triệu. Vì giá cả thường đi cùng chất lượng. Nếu bạn chọn cho mình một sản phẩm quá rẻ thì chất lượng sẽ không tốt, nhiều khi nhìn bị đau mắt. Bạn cũng không nên chọn một sản phẩm quá đắt vì chỉ mới làm quen, mà không sử dụng nhiều, không nghiên cứu sâu, để lâu thành phí.

Và như các bạn đã biết kính thiên văn được phân ra làm hai loại chính là kính thiên văn khúc xạ và kính thiên văn phản xạ, ngoài ra còn có một loại kính thiên văn tổ hợp là sự kết hợp giữa khúc xạ và phản xạ. Với mỗi loại kính này thì có những ưu nhược điểm riêng. Kính phản xạ tuy chất lượng hình ảnh tốt nhưng lại có hình ảnh ngược. Nên đối với những người mới chơi, việc quan sát hình ảnh ngược so với thực tế khá là khó khăn. Vì thế, bạn nên chọn kính thiên văn khúc xạ thay vì kính thiên văn phản xạ. Hình ảnh mà kính cho cũng khá rõ nét mà lại không bị ngược.

2. Lựa chọn khẩu độ cho kính thiên văn

Tính năng quan trọng nhất của kính thiên văn là khẩu độ, tức là đường kính của thấu kính hay gương thu ánh sáng. Một chiếc kính thiên văn với khẩu độ lớn sẽ thu được nhiều ánh sáng , mang lại cho bạn hình ảnh sáng và chi tiết tốt hơn. Lời khuyên cho chiếc kính đầu tiên của bạn là nên có khẩu đội tối thiểu từ 80-90 mm. Với khẩu độ 80mm bạn sẽ dễ dàng quan sát Mặt Trăng, Sao Mộc, thiên hà bên ngoài Dải Ngân Hà. Khẩu độ càng lớn thì bạn sẽ quan sát được rõ nét, nhiều chi tiết…

Khi nhìn thông qua một kính thiên văn khẩu độ lớn hầu như luôn ấn tượng hơn so với cái nhìn của cùng đối tượng thông qua chiếc kính nhỏ hơn. Nhược điểm ở đây là khẩu độ càng lớn thì giá thành càng cao và kính thiên văn cũng cồng kềnh hơn. Vậy nên tùy vào tài chính của mình bạn có thể lựa chọn loại phù hợp. Bạn cần lưu ý kích thước và khối lượng của kính thiên văn, và khoảng cách phải di chuyển đến khu vực quan sát. Một vài chiếc kính tuyệt vời cho người mới bắt đầu có thể có kích thước từ 1.2 đến 1.5 mét chiều dài, 200 đến 230 mm chiều rộng, và có hai phần chính, mỗi phần nặng từ 9 đến 14 kg. Nếu bạn khó có thể cất giữ và di chuyển thì bạn có thể xem xét đến một chiếc kính nhỏ gọn hơn. Bạn có thể phải giảm một ít khẩu độ, hoặc mua một chiếc kính đắt tiền hơn nhưng nhỏ gọn hơn.

Kính thiên văn Mỹ Meade Polaris 80EQ

3. Lựa chọn chân đế tốt

Bên cạnh chất lượng quang học, thì thứ quan trọng nhất đối với chiếc kính thiên văn là chân đế. Chân đế là thứ nâng đỡ ống kính thiên văn. Bạn có thể mua được ống kính có chất lượng quang học tốt nhất quả đất, nhưng nếu bạn đặt nó trên một chân đế chất lượng kém, thì sẽ thật tồi tệ. Trong điều kiện gió mạnh, một chân đế chất lượng kém có thể khiến ống kính rung lắc và tất nhiên là không thể quan sát được gì với điều kiện như vậy. Vì thế, hãy bảo đảm rằng ống kính của bạn được đặt trên một chân đế tốt.

Vậy kính thiên văn với chân đế tự tìm mục tiêu có tốt hơn chân đế bình thường hay không? Câu trả lời là có. Một chiếc kính thiên văn với chân đế tự tìm mục tiêu (Go-to) là kính thiên văn với một động cơ hoặc nhiều động cơ được điều khiển bởi một máy tính tích hợp. Một khi đã cài đặt hoàn chỉnh cho một đêm quan sát, một kính thiên văn tự tìm mục tiêu sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian bởi nó sẽ tự động dịch chuyển ống kính hướng đến bất kỳ đối tượng nào trên bầu trời mà bạn muốn, và tự động bám theo nó. Ngay cả những người dày dặn kinh nghiệm cũng vẫn ưu tiên chọn kính thiên văn tự tìm mục tiêu vì họ muốn dành phần lớn thời gian cho việc quan sát bầu trời hơn là điều chỉnh kính.

kính thiên văn 4SE
Kính thiên văn Celestron Nextstar 4SE Telescope

Tuy nhiên, với chiếc kính thiên văn với chân đế tự tìm mục tiêu giá thành khá cao. Nếu tài chính của bạn còn eo hẹp thì bạn có thể lựa chọn những chiếc kính thiên văn chân EQ hoặc chân AZ là đã đủ chắc chắn và tiện ích để bạn quan sát thiên văn.

kính thiên văn phản xạ
Kính thiên văn Mỹ Meade Polaris 130EQ

Ngoài ra, bạn có thể trải nghiệm, dùng thử kính thiên văn bằng cách bạn có thể tìm kiếm một câu lạc bộ thiên văn ở gần nơi bạn ở và tham dự một buổi sinh hoạt của họ. Ở đó, bạn sẽ tìm thấy những người khác có cùng sở thích và chia sẻ thông tin cũng như cho phép bạn nhìn qua kính thiên văn của họ. Trong một buổi quan sát của câu lạc bộ, bạn có thể trải nghiệm nhiều loại kính thiên văn khác nhau trong một thời gian ngắn và đưa ra lựa chọn sản phẩm phù hợp với bản thân mình.

Trên đây, là đôi điều về cách chọn kính thiên văn cho người mới chơi. Chúc các bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích để lựa chọn cho mình chiếc kính thiên văn phù hợp. Nếu bạn có câu hỏi hay thắc mắc gì hãy liên hệ ngay với meZOOM để được giải đáp, hỗ trợ nhiệt tình.

Thân ái !

Trả lời